Câu chuyện Cỏ Dại: Phần 5 - Kiểm Soát Cỏ Dại Như Thế Nào?
Sau 4 phần về câu chuyện Cỏ Dại, Gotafarm đã nêu nên những tác hại của thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu đối với sức khoẻ con người, môi trường… cũng như chỉ ra những lợi ích, tác dụng của cỏ dại đem lại cho đất và cây trồng.
Như chúng ta đã biết, cỏ dại có những tác dụng che phủ, giữ ẩm cho bề mặt đất, hạn chế bốc hơi nước khi nắng nóng và rửa trôi, xói mòn khi mưa. Cỏ dại giúp tạo môi trường thuận lợi cho hệ vi sinh vật trong đất phát triển, giúp bảo vệ cây trồng trước sự tấn công của nấm bệnh. Bộ rễ của cỏ dại giúp cải thiện tình trạng đất bị nén chặt, giúp đất tơi xốp, thoáng khí, góp phần ổn định nồng độ pH trong đất. Cỏ dại khi được cắt tỉa hoặc lụi tàn chết đi sẽ phân huỷ sẽ tạo lớp mùn hữu cơ trả lại dinh dưỡng cho đất…
Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi đang thổi phồng quá mức những tác dụng, lợi ích của cỏ dại trong việc làm vườn, chăm sóc cây trồng. Thực tế không phải cứ bỏ mặc cho cỏ phát triển tràn lan là tốt, như vậy có khi lại gây bất lợi cho nhiều loại cây trồng và quá trình canh tác bởi cỏ dại có cạnh tranh với cây trồng. Về cơ bản đa phần cỏ dại sẽ cạnh tranh với cây trồng về ánh sáng, không gian phát triển. Còn một số loại cây trồng có những đặc điểm sinh học giống nhau, bộ rễ tương đồng thì cỏ dại có cạnh tranh về dinh dưỡng. Vậy để tận dụng và khai tác những lợi ích, tác dụng của cỏ dại, chúng ta cần quản lí và khiểm soát cỏ dại tốt.
- “Vậy quản lí cỏ dại như thế nào cho hiệu quả?”
Đây là câu hỏi của rất nhiều người, nhưng câu trả lời thì không thể có cùng 1 đáp án. Cái này còn tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: quy mô của vườn, mục đích, mô hình canh tác của vườn, chất đất, thổ nhưỡng của vườn, vị trí địa hình của vườn, điều kiện, thời tiết khí hậu vùng miền… và cả yếu tố con người tác động tới vườn. Vậy nên việc quản lí cỏ thế nào phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nên chúng tôi không có câu trả lời chung cho tất cả mọi người. Mỗi người hãy làm, quan sát và cảm nhận cách quản lí cỏ phù hợp đem lại hiệu quả cho chính khu vườn của mình. Chúng tôi sẽ khái quát vài quan điểm cá nhân trong việc quản lí cỏ để có thể đem lại tính hiệu quả cho quá trình canh tác.
Nếu như vườn có diện tích lớn và mô hình canh tác kiểu vườn rừng kết hợp với các cây trồng đa tầng tán thì việc quản lí cỏ không cần quá chi tiết cho tốn quá nhiều nhân lực và chi phí. Bởi lúc này việc chúng ta cần làm là để cho cây rừng tái sinh, chọn lọc giữ lại những cây phù hợp, trồng thêm các cây tiên phong tán rộng, phát tỉa cỏ dại, cây bụi để không ảnh hưởng tranh sáng, tranh tán tới cây trồng chính và cây tái sinh ưu tiên.
Nếu như vườn có diện tích nhỏ và mô hình canh tác chủ yếu là cây trồng ngắn ngày như rau củ thì chúng ta cần kiểm soát cỏ kĩ, phát dọn, cắt tỉa thường xuyên và tấp ủ để cỏ không lất át cây trồng, cỏ không được cao hơn cây trồng, và luôn để khoảng thoáng quanh gốc để cây trồng có không gian phát triển.
Sự phát triển của các loại cỏ dại trong vườn sẽ phản ánh hiện trạng chất lượng của đất trong vườn. Những nơi đất mềm, giàu hữu cơ, tơi xốp, thoáng khí… thường là điều kiện tốt để các loại cỏ tầm thấp, lá rộng, thân mềm, rễ chùm nông phát triển. Những loại cỏ này dễ kiểm soát, không ảnh hưởng nhiều đến cây trồng và khả năng cải tạo đất tốt nên mọi người thường thích và lựa chọn ưu tiên phát triển những loại cỏ này trong vườn. Những nơi đất xấu, khô cứng, có nhiều sét hàn, đất bị nén chặt, hàm lượng dinh dưỡng, hữu cơ ít, đất thấm nước và giữ nước kém thường chỉ có những loại cỏ lá kim, lá nhỏ, lá dài sắc… thân cứng, đanh, rễ ăn sâu, đế gốc to mới có thể phát triển và tồn tại.
Mọi người thường cho rằng những loại cỏ lá nhỏ, thân cứng, rễ sâu có sức sống khoẻ, khó tiêu diệt và cạnh tranh với cây trồng nhiều về dinh dưỡng nên cần tiêu diệt và thay thế bằng các loại cỏ thân mềm, lá rộng, rễ chùm nông. Nhưng đây là 1 quan điểm sai lầm, lỗi không phải ở cỏ mà do đất. Bởi đất xấu, cằn cỗi, thiếu dinh dưỡng khiến các loại cỏ lá to, thân mềm, rễ chùm nông không phát triển được nên mới nhường chỗ cho các loại cỏ lá nhỏ, thân cứng, rễ sâu phát triển và chúng cũng đang làm tốt vai trò che phủ và cải tạo đất của mình. Vậy nên khi muốn loại bỏ các loại cỏ lá nhỏ, thân cứng để thay thế loại cỏ lá to, thân mềm và cây trồng mới vào thì việc đầu tiên chúng ta cần là cải tạo dinh dưỡng cho đất. Đây cũng chính là câu trả lời mà nhiều bạn hay hỏi chúng tôi làm thế nào để xử lí cỏ tranh. Mọi biện pháp như cào xới, che phủ bạt, gom đốt… chỉ là phương án tạm thời trước mắt, muốn giải quyết vấn đề chúng ta cần cải tạo bổ sung dinh dưỡng, chất hữu cơ cho đất để cây trồng và các loại cỏ thân mềm lá rộng có điều kiện phát triển và thay thế. Với những mô hình vườn trồng cây ăn trái, cây gỗ rừng thì chỉ cần dọn dẹp cắt tỉa cỏ tranh quanh gốc đều đặn, trồng thêm cây tiên phong có bóng tán lớn. Sau một thời gian cải tạo đất và cây trồng, cây tiên phong vươn tán sẽ chiếm sáng, hạn chế dần sự phát triển của cỏ tranh và đẩy lùi chúng. Còn với vườn trồng rau củ, độc canh trong phạm vi diện tích cố định cần dọn sạch cỏ tranh bằng cách xới xáo, loại bỏ tận gốc sau đó bổ sung dinh dưỡng hữu cơ, cải tạo đất trong quá trình canh tác cây rau củ ngắn ngày.
Mỗi một loại cỏ đều có đỉnh sinh trưởng phát triển, khi đã đạt đỉnh sinh trưởng chúng sẽ tự lụi tàn và nhường chỗ cho các loại cỏ khác thế vào ở 1 thời điểm thích hợp. Việc cắt tỉa cỏ tạo sinh khối cho vườn cũng cần phải lựa thời điểm để đạt hiệu quả cũng như chất lượng sinh khối cao. Thời điểm cắt tỉa nên tiến hành trước khi cỏ ra bông, đây là thời điểm cỏ tích trữ nhiều dinh dưỡng nhất và cũng là thời điểm để quản lí sự phát triển của cỏ theo mong muốn và kiểm soát có mục đích.
Làm nông nghiệp chuyển đổi sạch, canh tác thuận tự nhiên không có nghĩa là chúng ta bỏ mặc cho mọi thứ phát triển tự nhiên theo bản năng của từng loài và rồi tự nhiên có thành quả thu hoạch. Chúng ta phải biết dựa vào những quy luật phát triển tự nhiên của mỗi loài, lựa chọn những ưu điểm, sự thuận lợi của tự nhiên đem lại, phục vụ cho nhu cầu, mục đích của mình. Thành công nào cũng phải đổi bằng mồ hôi, công sức và tiền bạc. Trong canh tác nông nghiệp, việc bảo vệ thành quả và tối ưu chi phí lao động sản xuất luôn cần ưu tiên hàng đầu. Mỗi người nông dân cần chăm chỉ lao động, biết quan sát để nhận thấy vấn đề, biết học hỏi và sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của mình để đạt hiệu quả cao nhất, thành quả tốt nhất.
Gotafarm - tổng hợp và chia sẻ.
Câu chuyện Cỏ Dại:
Phần 1 - Từ sự lười, ngại đến nỗi sợ hãi Cỏ Dại.
https://www.facebook.com/share/p/RVbAfQSj8TKMMdPV/?mibextid=WC7FNe
Phần 2 - Vì lợi nhỏ, bỏ lương tâm.
https://www.facebook.com/share/p/ZcSuiZfJ9uZUQ85X/?mibextid=WC7FNe
Phần 3 - Đời sống phong phú của vi sinh vật trong lòng đất.
https://www.facebook.com/share/p/ybRp222nzYejaa4z/?mibextid=WC7FNe
Phần 4 - Cơ chế sinh trưởng của cây và tận dụng nguồn dinh dưỡng dồi dào từ cỏ dại
https://www.facebook.com/share/p/ciFiMmjMyn7zZPZW/?mibextid=WC7FNe
Phần 5 - Kiểm Soát Cỏ Dại Như Thế Nào?
https://www.facebook.com/share/p/PdfKunY1UhwsZ7YS/?mibextid=WC7FNe
Xem thêm