Câu chuyện Cỏ Dại: Phần 2 - Vì lợi nhỏ, bỏ lương tâm
Tiếp theo “câu chuyện Cỏ Dại” phần 1 Gotafarm đã chia sẻ nguyên nhân dẫn đến sự lạm phát sử dụng thuốc diệt cỏ trong hoạt động nông nghiệp.
Phần 2, Gotafarm sẽ tiếp tục chia sẻ với các bạn một góc nhìn khác để trả lời cho câu hỏi: “Có nhiều người biết rõ sự độc hại của thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu. Vậy tại sao họ vẫn sử dụng?”
- “Mình đem bán chứ mình có ăn đâu”.
Đó chính là câu trả lời của những người nông dân, biện hộ cho việc đang sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác nông nghiệp. Cái họ nhìn thấy lợi ích nhỏ trước mắt mà bất chấp tất cả hệ luỵ đằng sau do mình gây ra.
Quả thực mỗi lần tôi đi chợ, tôi phân vân không biết nên mua cái gì? Ăn cái gì? Bởi đằng sau những mặt hàng thực phẩm tươi rói kia lại là những câu chuyện bí mật mà ai cũng biết.
- Các loại rau, trái, ngũ cốc… thì từ lúc gieo trồng cho đến lúc thu hái, bày bán đã được tắm đủ thứ: kích mầm, kích rễ, trừ sâu, trừ cỏ, kích thích tăng trưởng, kích thích sai hoa đậu trái, bảo quản tươi lâu…
- Các loại thịt, bơ, trứng, sữa… thì kích thích tăng trọng, kích thích sản lượng, bảo quản tươi sống, tẩy mùi, giữ màu…
Đủ thứ chất độc mà người ta đang mua bán trao đổi với nhau dưới hình hài những thực phẩm ăn uống hàng ngày để đổi lấy chút lợi ích kinh tế cho mình.
Tôi có duyên quen biết một vài tu sĩ. Mỗi lần ghé chùa, ghé thất để thăm các ni, sư thì hay được nghe câu chuyện các ni, sư kể rằng:
- Có nhiều Phật tử, nhà trồng rau trái, mỗi lần đi ngang chùa, thấy đều ghé lại cúng dường ít thực phẩm và còn dặn lại với sự thành tâm, tôn kính: “Cái này đồ sạch, con trồng để ăn nên đem cúng đường các thầy. Còn những đồ kia phun thuốc thì đem bán chợ”.
Tôi cười nói rằng:
- Có lẽ họ sợ cúng dường, hộ pháp bằng thuốc độc thì cả các thầy lẫn Phật đều ngỏm thì tổn đức nên mới cúng dường đồ sạch. Còn lũ người ngợm ngoài đường, ngoài chợ kia, sống chết có đáng gì đâu mà sợ ảnh hưởng công đức, sợ phải tội.
Thật vậy, cứ mỗi nhà trồng rau thì sẽ có ít nhất 1 luống không phun thuốc để dành nhà ăn, cứ mỗi nhà chăn nuôi sẽ có vài con lợn, dăm con gà, vịt… không ăn tăng trọng để dành nhà ăn. Vậy là cứ người này ăn đồ độc hại của người kia chứ họ không ăn trực tiếp đồ độc hại do mình làm ra, nên họ đâu có biết sợ. Có khi hôm trước phun thuốc, hôm sau họ đã hái bán rồi. Vì họ đâu có ăn đồ mình bán mà phải sợ.
Có lẽ chúng ta đã và đang trải nghiệm sống trên 1 nền nông nghiệp thất bại bắt đầu từ kỉ nguyên phân thuốc hoá học. Mà hệ luỵ của nó không chỉ là bệnh tật, sức khoẻ mà còn biến chất đạo đức, lương tâm của con người, nhất là những người trực tiếp tạo ra sản phẩm. Không biết từ bao giờ nhiều người đã tự đeo lên mình một lớp mặt nạ “hiền lành, chân chất, chịu thương, chịu khó…” để che đậy đi cái mầm ác đang nẩy trong tâm họ. Có thể cũng chỉ là 1 cái chép miệng mà họ có thể bán lương tâm đổi lấy chút lợi ích cá nhân trước mắt. Có thể cũng chỉ là cái lười, cái tiện mà họ nguỵ biện cho hành động độc ác đó của họ như 1 điều bình thường trong đời sống.
Nhưng cuối cùng vẫn là “mình hại người, người hại mình”. Họ cứ tự đầu độc lẫn nhau và cả những người không liên quan, họ đầu độc cả một xã hội chỉ vì chút lợi ích nhỏ, họ bất chấp để rồi hệ luỵ kéo dài tới những thế hệ sau bởi bệnh tật, di truyền, ô nhiễm…
Gotafarm - tổng hợp và chia sẻ.
Xem thêm