Câu chuyện Cỏ Dại: Phần 3 - Đời sống phong phú của vi sinh vật trong lòng đất
Qua 2 phần đầu của “Câu chuyện Cỏ Dại”, Gotafarm đã đưa ra những góc nhìn về nguyên nhân và tác hại của thuốc diệt cỏ, trừ sâu đối với con người, đất đai, cây trồng. Từ phần 3, Gotafarm sẽ chia sẻ với anh chị về cơ chế sinh của cây trồng, cách kiểm soát và tận dụng lợi ích của cỏ dại trong canh tác nông nghiệp.
Để trả lời cho câu hỏi: “Các loài cây khác nhau có cạnh tranh dinh dưỡng với nhau không?”
Hôm nay Gotafarm sẽ cùng anh chị tìm hiểu về bộ rễ và hệ vi sinh vật chuyển hoá dinh dưỡng trong đất của cây.
Như chúng ta đã thấy, động vật có sự đa dạng của các nhóm loài khác nhau, cho nên chúng cũng có sự đa dạng trong chuỗi thức ăn khác nhau. Vd: trâu bò ăn cỏ, gà vịt ăn hạt, tôm cá ăn phù du, hổ báo ăn thịt… có khi chất thải của loài này lại là thức ăn của loài khác, tạo nên sự cân bằng trong tự nhiên.
Thế giới thực vật cũng vậy, chúng còn có sự đa dạng hơn rất nhiều. Với cấu tạo của thân tán khác nhau, bộ rễ khác nhau nên nhu cầu dinh dưỡng hấp thụ cũng khác nhau. Với mỗi bộ rễ khác nhau, mỗi loài cây khác nhau sẽ tiết ra những hợp chất hữu cơ khác nhau, tạo ra môi trường kích thích cho sự phát triển của những hệ vi sinh vật (vi khuẩn, vi nấm, xạ khuẩn, virus, tảo, nguyên sinh động vật) khác nhau trú ngụ. Ngoài ra hệ vi sinh vật trong đất còn phân bố thay đổi theo độ sâu của đất, chất loại đất. Hệ vi sinh vật vùng rễ của mỗi loài cây cũng thay đổi theo giai đoạn sinh trưởng của cây và mỗi loài cây cũng có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau và thay đổi theo từng giai đoạn phát triển.
Vi sinh vật trong đất tham gia vào quá trình giải phóng phần lớn chất dinh dưỡng từ các chất hữu cơ. Khi vi sinh vật phân hủy chất hữu cơ, chúng sử dụng Carbon và các chất dinh dưỡng trong chất hữu cơ cho sự sinh trưởng của bản thân chúng, đồng thời chúng giải phóng các chất dinh dưỡng dư thừa vào đất để cây trồng có thể hấp thụ. Đó chính là quá trình hình thành chất mùn trong đất, đây là kho dự trữ thức ăn cho cây trồng và là yếu tố kết dính để tạo ra độ màu mỡ cho đất. Ngoài ra vi sinh vật tham gia tích cực vào việc phân giải các phế phẩm nông nghiệp, phế thải hữu cơ đô thị, phế thải công nghiệp vì vậy có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Nghiên cứu cho thấy số lượng Nitơ mà mỗi năm cây trồng thu được nhờ vi sinh vật gấp 3 lần so với tổng số phân Nitơ hóa học được sản xuất ra trên thế giới. Vi sinh vật có khả năng phân giải các hợp chất khó tan chứa P, K, S và tạo ra các vòng tuần hoàn vật chất trong tự nhiên.
Trong thực tế hiện nay, hệ vi sinh vật tự nhiên trong đất đang dần cạn kiệt do thói quen sử dụng phân thuốc hóa học thiếu trách nhiệm, làm mất cân bằng quần thể vi sinh vật trong đất. Điều này thể hiện rõ qua việc đất trồng giảm dần khả năng hấp thụ cũng như chuyển hóa các chất dinh dưỡng được bón vào. Tình trạng đất bạc màu, hoang hóa, giữ nước kém, độ tơi xốp giảm và pH đất mất cân bằng xảy ra ngày càng phổ biến. Trong khi đó, cỏ dại chính là tầng lớp che phủ bề mặt giữ ẩm và nuôi dưỡng hệ vi sinh vật trong đất lại luôn bị người nông dân tìm mọi cách tận diệt.
Gotafarm - tổng hợp và chia sẻ.
Xem thêm