Câu chuyện Cỏ Dại: Phần 1 - Từ sự lười, ngại đến nỗi sợ hãi Cỏ Dại
Sau khi Gotafarm đăng bài về tác dụng của cỏ dại đối với cây trồng, đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của các anh chị về vườn đang quan tâm đến vấn đề cỏ dại. Vậy nên Gotafarm sẽ tiếp tục biên những bài về cỏ dại chia sẻ từ kiến thức Gotafarm tổng hợp và trải nghiệm thực tế với chuỗi vườn thành viên trong hành trình 6 năm qua tới anh chị trên Fanpage Dược - Nông là Gotafarm.
Đi qua nhiều vùng đất và trải nghiệm thực tế, chúng tôi nhận thấy một điểm chung của nông dân là sự “sợ hãi cỏ dại”. Vậy từ đâu cỏ dại đã tạo cho nông dân một nỗi sợ hãi ám ảnh mang tính hệ thống như vậy? Có lẽ hơi phũ phàng khi chúng tôi phải nói rằng cỏ dại không có lỗi, lỗi ở sự lười và ngại của người nông dân. Nói đến đây chắc sẽ chạm vào sự tổn thương tâm lí của rất nhiều bạn và có thể cho rằng chúng tôi đang nói hỗn, nói khống. Nông dân tìm mọi cách diệt cỏ dại vì sợ cỏ lấn át cây trồng, cỏ cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng… muôn ngàn lí do giữa cỏ và cây trồng.
Vậy các bạn hãy nhìn lại những hình ảnh chúng tôi đưa lên đây. Đây chỉ là vệ đường quốc lộ hay những bờ ruộng cao ngăn thửa. Những vị trí này chỉ là những cây cỏ mềm, tầm thấp không hề ảnh hưởng gì tới cây trồng, vậy tại sao nông dân lại nhất quyết diệt cỏ? Chẳng phải cỏ như một nỗi sợ hãi ám ảnh đã ngấm vào máu, di truyền vào gen của nông dân?
Nỗi sợ hãi cỏ dại có thể bắt đầu từ việc khao khát thúc đẩy năng suất cây trồng trên 1 diện tích. Và việc triệt bỏ những cây không phải “cây trồng thu hoạch” là việc cần thiết để độc canh năng suất. Từ đó nông dân tìm mọi cách để triệt cỏ như cuốc, dãy, nhổ… nhưng nhận thấy những việc làm đó tốn công mà không hiệu quả nên thuốc diệt cỏ như phương pháp hữu hiệu nhất để diệt cỏ mà không vất vả chân tay nhiều.
Vậy thuốc diệt cỏ có diệt được cỏ không? Xin thưa rằng không. Thật kì diệu, cỏ dại đã phát triển tính kháng với atrazine và tới các chất ức chế ALS, và gần đây là với thuốc diệt cỏ glyphosate với các chế độ hành động sinh học hoàn toàn khác nhau đang gia tăng. Thuốc diệt cỏ càng phát triển thì cỏ dại tự phát triển tính kháng thuốc theo thời gian và cấp độ.
Cuộc đua của nhân tạo với tự nhiên vẫn chưa có hồi kết nhưng kẻ phải chịu tác động nguy hại lại chính là con người. Bởi thuốc diệt cỏ sẽ giết mọi loại thực vật, vi sinh vật trong đã phơi nhiễm với thuốc nếu không có tính kháng. Thuốc diệt cỏ ngấm vào đất sẽ giết chết mọi loại vi sinh vật có lợi cho việc chuyển hoá dinh dưỡng trong đất, từ đó làm bạc màu đất. Chưa kể những hàm lượng độc tố không và khó phân giải ngấm vào đất sẽ được cây trồng hấp thụ và tạo ra những sản phẩm nông sản độc hại trong từng bữa ăn của con người.
Tất cả chỉ bắt đầu từ việc chạy đua nâng cao năng suất cây trồng mà người nông dân không màng tới chất lượng nông sản. Họ sợ cỏ dại như nỗi ám ảnh sẽ phải chia chác dinh dưỡng trong đất của cây trồng. Họ tìm mọi cách diệt cỏ dại như một thói quen, một bản năng vô điều kiện. Họ thích những bờ đất chết trơ trụi hơn là những màu xanh non mát mắt kia.
Thật xót xa…
Gotafarm - tổng hợp và chia sẻ.
Xem thêm