Câu chuyện chiếc áo màu cam (Khánh Duyên)
Mình bắt đầu mặc chiếc áo màu cam này từ năm 2018 đến nay. Trong 5 năm qua đi đâu mình cũng mặc chiếc áo này, kể cả lúc đi làm vườn, đi hội chợ bán hàng, đi hội thảo, đi học, thậm chí lên sân khấu nhận giải thưởng thi khởi nghiệp. Mặc nhiều quen mắt đến nỗi có bạn gọi mình là Cô Gái Áo Cam.
Khánh Duyên và hoạt động hướng dẫn sử dụng vi sinh xử lý rác thải hữu cơ cho nhà vườn (ảnh 2020)
Khởi nguồn chiếc áo này là lúc mình khởi nghiệp thất bại lần 2, khi đó mình bế em bé chưa đầy tuổi về quê và thất nghiệp. Sau khi mình nộp đơn xin việc vào Maxport họ không nhận, vì khi có con nhỏ thì nhân sự không đóng góp nhiệt huyết được cho công ty, thì mình đã xin vào công ty Yazaki để làm công nhân sản xuất dây điện. Lần này không phải mục đích kiếm việc làm, mà mình xác định mục đích là sẽ ở lại công ty này cho đến khi nào mình học được chút gì đó cách người Nhật quản lý sản xuất trong nhà máy của họ, dự kiến là 6 tháng. Nhưng cuối cùng mình đã ở đây gần 12 tháng. Hàng ngày đi làm thì có hai thứ mình quan sát nhiều nhất: một là những cuộn dây điện, hai là những người bạn cùng chuyền sản xuất mặc áo màu cam. Mình nghỉ làm không phải vì mình đã học được nhiều thứ rồi, mà vì mình được đề xuất lên vị trí QA vật liệu đầu vào, nên mình xin nghỉ để không cảm thấy có lỗi với các cán bộ Yazaki. Vì đằng nào sau này mình cũng nghỉ.
Khánh Duyên cùng cộng sự và ekip Nông Nghiệp Sạch trong một phóng sự về xử lý rác thải hữu cơ (ảnh 2021)
Thời gian làm ở Yazaki có lẽ là quãng thời gian mình sẽ mãi nhớ sau này, vì nó rất có ý nghĩa với mình. Không chỉ vì những bài học về quản lý sản xuất mà còn vì mình đã trực tiếp làm công nhân nhà máy, để có thể hiểu hơn về tâm lý của nhân sự lao động: từ một vị trí không còn có thể thấp hơn nữa, để mà thấu cảm và chia sẻ với nhân sự của mình trong tương lai. Đối với mình thì hai điều khó trong quản trị một doanh nghiệp khởi sự, một là tiền bạc, hai là con người. Nếu yếu kém thì phải đi học, và có những hoàn cảnh buộc phải học thông qua hành. Bởi vậy, cứ hôm nào làm ca kíp thì nửa ngày mình đi công ty bê dây điện, nửa ngày về làm vườn, khu vườn đầu tiên của Gotafarm. Bây giờ nghĩ lại không hiểu lúc ấy mình lấy sức mạnh ở đâu ra?
Khánh Duyên chụp cùng thầy Phan Văn Trường và các bạn trong chương trình Cấy Nền (ảnh 2022)
Chiếc áo cam này chỉ là một chiếc áo bảo hộ thông thường, màu sắc rất nóng nhưng mặc lên lại rất mát. Màu cam cũng là biểu trưng cho sự vui vẻ và nhiệt tình, rất gần với tính cách của mình. Nên trong những chiếc áo mình từng khoác qua, có lẽ mình thích chiếc áo cam này nhất. Nó nhắc nhở mình về một kỷ niệm thật đáng nhớ, và trên hết, qua câu chuyện về chiếc áo màu cam, mình muốn gửi tới các bạn thông điệp rằng: có những thứ xảy đến với chúng ta, có những hoàn cảnh mà chúng ta trải qua hay chúng ta lựa chọn, nó có thể là thứ đã được sắp xếp và có ý nghĩa nào đó, cho chúng ta một bài học trên con đường trưởng thành. Vì nếu ngày đó Maxport mà chấp nhận đơn xin việc vào vị trí Phiên dịch viên của mình thì chắc gì mình đã ở đây hôm nay.
Khánh Duyên cùng các bạn học trong khóa Truyền nghề của cô giáo Nguyễn Ngọc Long (ảnh 2023)
Mình rất mong câu chuyện chiếc áo của mình có thể truyền cảm hứng cho ai đó đang ở trong một hoàn cảnh mà không có nhiều sự lựa chọn, hoặc cảm thấy đang thật buồn khổ. Sau vài năm nhìn lại, mình cũng như bạn sẽ cảm thấy thật biết ơn những điều đã đến và làm nên chúng ta hôm nay.
With love and gratitude
Khánh Duyên cùng cộng sự thu hoạch quả Chay chua tại Vườn Thành Viên Gotafarm (ảnh 2023)
Xem thêm